Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới: Phải hoạt động có lãi trong 3 năm liên tiếp
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Đó là được phép cung cấp dịch vụ và đã hoạt động hợp pháp 10 năm;không vi phạm quy định pháp luật; đảm bảo năng lực tài chính như hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề; điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm tương đương với quy định trong nước và phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Đây là quy định được đưa ra tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi; Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số và Nghị định số 48/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện và lấy ý kiến.
Một nghị định sửa 3 nghị định
Theo Bộ Tài chính, về cơ bản, Luật số 42/2019/QH14 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ) đã bổ sung các nội dung chính sách quy định việc cung cấp, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và quản lý, giám sát đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết 3 nội dung: điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức; điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Do vậy, dự thảo nghị định mới đã phải sửa đổi, bổ sung tới 3 nghị định trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Theo đó, đối tượng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới bao gồm cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới và tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới.
Đối với cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới, dự thảo đưa ra các điều kiện tương đương với quy định đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm trong nước. Tuy nhiên, đối với các tổ chức nước ngoài, dự thảo đã đưa ra nhiều điều kiện chi tiết mang tính chặt chẽ hơn, như: được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam và đã hoạt động hợp pháp 10 năm; không vi phạm quy định pháp luật; đảm bảo năng lực tài chính như hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề; điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm tương đương với quy định trong nước và phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Nhiều hành vi vi phạm bị xử phạt
Tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 42 đã quy định bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm như: vi phạm quy định về quy chuẩn kỹ thuật; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; cung cấp loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; cung cấp dịch vụ phụ trợ bảohiểm qua biên giới. Do đó, dự thảo nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP để cụ thể hóa các hành vi và chế tài xử lý áp dụng đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm.
Cụ thể, dự thảo nghị định mới đã bổ sung đối tượng, phạm vi áp dụng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đồng thời, dự thảo cũng đã bổ sung hình thức xử phạt bổ sung là “tước quyền sử dụng chứng chỉ tư vấn bảo hiểm có thời hạn” và “đình chỉ hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời hạn”.
Cũng tại dự thảo, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định về hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới trên cơ sở mức phạt tiền được xác định tương đương với các hành vi tại quy định hiện hành.
Đối với các hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các vi phạm như: không tuân theo quy chuẩn kỹ thuật; vi phạm về các trách nhiệm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi chưa ký hợp đồng hoặc hợp đồng không được lập thành văn bản.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không đúng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được phép cung cấp; thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật; tổ chức không có tư cách pháp nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ tư vấn bảo hiểm có thời hạn và đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thời hạn, được quy định áp dụng đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.